Trang chủ > Kính lúp thấu hiểu > Thái độ >> Bay lên từ sự cô độc

Bay lên từ sự cô độc

Nhà văn, nhà viết kịch người Pháp Romain Rolland, người đoạt giải Nobel văn học năm 1915, đã viết: “Anh hùng là người làm được những điều mà kẻ khác không thể làm được”. Và điều này đúng với cô gái người Mỹ Sarah Reinertsen.

Tại cuộc thi ba môn phối hợp (bơi lội, xe đạp và điền kinh) dành cho “những người thép” trên thế giới, Sarah với một chân thật và một chân giả (bằng kim loại) đã xuất sắc vượt qua hàng trăm VĐV khác để giành chiến thắng. Kỳ tích này giúp Sarah trở thành nữ VĐV khuyết tật đầu tiên giành chiến thắng ở giải đấu khắc nghiệt này.

Từ đây, các tạp chí điền kinh bầu chọn người phụ nữ 34 tuổi này là một trong tám người hùng trên đường chạy thế giới. Mới đây, câu chuyện về sự vươn lên, chiến thắng nghịch cảnh của Sarah được tác giả Alan Goldsher viết thành quyển sách mang tên "Bay lên từ sự cô độc".

 


Lời mở đầu của quyển sách trên dẫn lại lời nói của Sarah: “Tuy mất một chân nhưng tôi lại khám phá được bản thân và đang tập luyện cho cuộc sống”. Nội dung quyển sách kể lại hành trình chinh phục số phận của Sarah. Từ năm 7 tuổi, cô đã chịu nỗi đau với chân trái bị cưa trên đầu gối do rối loạn về sự phát triển xương.
 

Những ngày tháng đầu tiên của bi kịch, Sarah thường ngồi co ro trong những hốc tối và khóc rất nhiều do bị bạn bè chế giễu mỗi khi đến trường. Thái độ kỳ thị của mọi người xung quanh càng khiến Sarah rút sâu vào vỏ bọc của sự cô độc. Nhưng trong một lần tình cờ được cha đưa đi xem điền kinh, Sarah đã tròn mắt ngạc nhiên khi chứng kiến một VĐV chạy 10km với đôi chân giả. Hồi tưởng sự kiện trên, Sarah nói: “Tôi không tin được những gì tôi thấy… Và từ đây tôi biết rằng mình vẫn có thể chạy dù mất một chân”.
 


Đó chính là bước ngoặt, hay nói đúng hơn là ánh sáng rọi vào cuộc sống cô độc của Sarah. Từ những thắc mắc như làm cách nào để tập chạy, bơi làm sao hoặc đạp xe như thế nào… Sarah đã bắt đầu nỗ lực tập luyện, với không biết bao nhiêu lần ngã xuống rồi lại đứng lên. Cuối cùng Sarah đã bắt đầu gặt hái những thành quả khi cô lập kỷ lục thế giới cự ly 100m nữ dành cho người khuyết tật ở tuổi 13.

Sau đó, cô giành được hàng loạt chiến thắng như vô địch 100m, 200m nữ và trở thành VĐV trẻ nhất nước Mỹ tham dự Paralympic năm 1992. Không dừng lại trên đường chạy, Sarah lấn sân sang bơi lội và xe đạp với nhiều chiến thắng ấn tượng. Để tăng cường sự thử thách cho bản thân, cô chuyển sang tham dự các cuộc thi dành cho “những người thép” ở nội dung ba môn phối hợp. Trong đó, Sarah đã phải so tài một cách công bằng với những VĐV lành lặn, khỏe mạnh.

 

Bên cạnh sự nghiệp thể thao, Sarah có bằng đại học báo chí và làm người phát ngôn, đòi quyền lợi cho các VĐV khuyết tật.

Len dau trang