Những điều khiến cuộc sống bạn trở nên vui vẻ
Giáo sư Ruut Veenhoven của trường đại học Erasmus (thành phố Rotterdam, Hà Lan) từng nói: “Cho dù con người thường cho rằng đời người cần phải có mục tiêu thì mới có thể sống vui vẻ, nhưng nhìn từ kết quả nghiên cứu thì điều này rất khó nói. Nguyên nhân là, người không vui vẻ luôn không ngừng muốn thay đổi hiện trạng, họ biết rõ mục tiêu của mình là gì nhưng lại chính do không đạt được mục tiêu mà không vui”.
1. Hãy có mặt nhiều hơn trong mọi hoàn cảnh sống
Kết quả bất ngờ nhất của cuộc nghiên cứu chính là: Việc có hiểu rõ được “ý nghĩa cuộc đời” hay không lại không hề liên quan đến sự vui vẻ. Trong khi đó, việc dùng thái độ chủ động tích cực để tham dự vào cuộc sống và cả vấn đề chính trị xung quanh mình hay không mới là nhân tố đáng nói nhất quyết định một người sống có vui vẻ hay không.
Giáo sư Veenhoven nói: “Nếu muốn sống vui vẻ, đầy đủ thì hãy tích cực, chủ động tham dự vào mọi hoạt động của cuộc sống. Điều này cũng có nghĩa là, đối với chỉ số vui vẻ thì sự tham gia tích cực vào cuộc sống thực sự còn quan trọng hơn nhiều so với việc xác định rõ ý nghĩa cuộc đời mình”.
2. Biết hài lòng với những gì đang có
Kết quả nghiên cứu còn thể hiện, đa số mọi người đều có năng lực khiến cho cuộc đời mình trở nên vui vẻ hơn, nhưng vật chất và tiền bạc thì không phải là điều kiện tiên quyết cho một cuộc sống vui vẻ.
“Mức độ vui vẻ của con người luôn biến đổi, nhưng chúng ta có thể khiến bản thân vui vẻ hơn”, giáo sư Veenhoven nói. “Điều kiện vật chất càng tốt không thể bảo đảm sẽ vui vẻ hơn, then chốt nằm ở thái độ sống”.
Người có chỉ số vui vẻ tương đối cao thường có những điểm chung sau đây:
- Cuộc sống gia đình ổn định, có người bạn đời gắn bó.
- Tích cực quan tâm và tham gia vào thời cuộc.
- Sắp xếp hợp lý công việc và thời gian giải trí.
- Xung quanh có bạn tốt (tuy nhiên, số người bạn tốt càng nhiều lại không làm tăng thêm cảm giác vui vẻ).
Ngoài ra, một số phát hiện đáng ngạc nhiên khác như:
- Người dùng bia rượu lượng vừa phải lại vui vẻ hơn người chẳng đụng đến một giọt rượu.
- Nam giới vui vẻ hơn khi sống trong xã hội nam nữ bình đẳng.
- Người hài lòng về vẻ ngoài của mình thì vui vẻ hơn người quá chú tâm hoặc ảo tưởng về diện mạo của họ.
- Khoảng thời gian sau khi sinh con thì cảm giác vui vẻ sẽ giảm, nhưng theo sự trưởng thành của con cái, cảm giác ấy lại dần phục hồi và tăng lên.
3. Thời gian đi làm và ra về ảnh hưởng đến tâm trạng con người
Nghiên cứu còn cho thấy, thời gian dài ngắn khi tham gia giao thông lúc đi làm và ra về cũng ảnh hưởng rất lớn đến cảm giác vui vẻ của con người.
Theo số liệu của một cuộc nghiên cứu ở Đức, những người đi về với lộ trình vượt quá một giờ đồng hồ mỗi ngày thì cảm giác không vui vẻ sẽ cao hơn nhiều so với những người đi bộ đến chỗ làm gần nhà. Cho dù ngồi xe với khoảng cách xa để đổi lấy mức lương cao thì cũng không thể bù đắp lại niềm vui đã mất đi. Ngoài ra, cảm giác vui vẻ cũng thay đổi theo tuổi tác và việc có vui vẻ thật sự hay không thì không thể là một khoa học rõ ràng chính xác được.
4. Thuận theo tự nhiên
Giáo sư Veenhoven giải thích: “Vui và không vui cũng giống như quét dọn vệ sinh vậy, bạn có thể khiến mọi thứ sạch bong (vui vẻ) nhưng không lâu sau sẽ có vài thứ lại bám bẩn. Vì vậy không nhất thiết cứ khăng khăng giữ cho sạch sẽ bởi đó là điều không thể, chi bằng hãy thuận theo tự nhiên”.
Đời người không thể và cũng không nên mãi mãi vui vẻ, bởi vì từ góc độ tâm lý học và xã hội học mà nói thì “thất tình lục dục” vẫn có công hiệu riêng nó và sự tồn tại của nó là cần thiết.
Đau buồn cũng giống như đèn đỏ trong giao thông, tuy ngăn bạn tiến tới nhưng nó lại có thể ngăn chặn những hành vi tiêu cực của con người. Một người nếu muốn duy trì sự khỏe mạnh về tinh thần thì cũng cần có khoảng 10% những cảm nhận về sự đau buồn. Vì vậy bạn cũng đừng nên cảm thấy bất hạnh khi gặp những trắc trở, phiền não, mọi thứ đều có giá trị của nó cả!
Nguồn: VnExpress