Trang chủ > Bật lửa cảm hứng > Suy ngẫm >> Chuyện hươu núi báo ân

Chuyện hươu núi báo ân

Có một gia đình nọ sống ở vùng núi cao, đương lúc sắp xong hôn sự ngày thứ sáu, cả nhà đang bái lạy tổ tiên, thì bỗng đâu một con sơn lộc (hươu núi) vẻ mặt hoảng sợ chạy vào nhà. Hóa ra con hươu này đang bị một người thợ săn cùng bầy chó săn đuổi bắt, trong lúc cùng đường không biết chạy đi đâu nên đã chạy vào và chui xuống bàn thờ của gia đình này để trốn.
Lúc này người thợ săn cũng chạy vừa đến nơi, liền muốn đòi hươu lại. Vị tân nương trong lòng rất lấy làm lạ, tự hỏi tại sao con hươu này lại chạy đến trú ngay bàn thờ nơi mọi người đang bái lạy tổ tiên. Thế là cô liền khuyên cha mẹ chồng không nên trả hươu lại cho người thợ săn, vì biết đâu con hươu này cùng gia đình có mối nhân duyên nào đó. Cô lập luận rằng chứ sao khắp nơi núi rừng rộng lớn này, ở đâu không chạy vào lại chạy vào nhà mình, bởi vậy cứu con hươu núi này mới là chuyện nên làm.
Cha mẹ chồng thấy con dâu nói cũng có lý, nên cũng không muốn trả lại hươu núi cho người thợ săn. Tuy nhiên, người thợ săn không đồng tình, liền nói: “Hươu núi này là do ta truy đuổi mà được, tuy rằng nó chạy vào nhà ông bà, nhưng nếu không phải ta dẫn theo bầy chó săn đuổi bắt, thì nó cũng không xuất hiện ở đây. Nếu ông bà không trả hươu cho ta, thì phải mua lại nó với giá cao, ta sẵn sàng bán nó lại cho ông bà”.
Lúc này hai bên cứ tranh cãi mãi không dứt, người con dâu mới nói: “Nếu như chúng tôi mua, thì ông bán nó giá bao nhiêu?”. Thợ săn đáp: “Hai mươi đồng bạc”.
Ông bà chủ nhà nghe xong thầm nghĩ, ta mới cưới dâu về, chi phí tất cả phải mất 15 đồng bạc, nay lại mua con sơn lộc này với giá tận 20 đồng bạc, thôi thì trả lại cho người ta coi như xong.
Thế nhưng tân nương một lòng muốn cứu con vật, cô quyết không từ bỏ, liên tục khuyên giải cha mẹ chồng tìm cách cứu hươu núi, ông bà chủ hai người cũng khó xử bởi tân nương mới bước về nhà chồng nên khó mà mở lời từ chối, đành phải mặc cả với người thợ săn mãi cho đến chiều tối.
 
Cuối cùng người thợ săn cũng nhân nhượng chịu giá 15 đồng bạc để nhường lại con hươu. Giá cả thì đã định, nhưng hai lão nhân lại cảm thấy bối rồi, liền quay sang cô con dâu nói thầm: “Nhà ta vừa phải chi tổn 15 đồng bạc để cưới con về, ngoài ra còn phải vay mượn của người ta 4 đồng bạc lo việc trên dưới, giờ sao có thể bỏ ra 15 đồng bạc để mua con sơn lộc này đây?”
Lúc này vị tân nương mới thưa với cha mẹ: “Giá đó không thành vấn đề, chỉ cần cha mẹ đồng ý mua lại con hươu này, con xin tình nguyện hoàn lại mười lăm đồng bạc của hồi môn, toàn bộ số tiền ấy sẽ được dùng để mua hươu”. Cha mẹ thấy cô con dâu quá kiên quyết, nên cũng thuận lòng chiều theo ý con. Người thợ săn có được bạc liền rời đi, tân nương liền đến bên bàn thờ vẫy tay ý bảo hươu núi bước ra, cô còn xoa đầu con vật để trấn an, dường như cảm kích trước nghĩa cử này, nhảy nhẹ vài cái, rồi chạy vào trong núi mất tăm kể từ đó.
 
Tin tức tân nương cứu hươu núi lan truyền đi khắp nơi, hàng xóm láng giềng không ngừng pha trò trêu cười, không hiểu sao cô con dâu nhà này lại làm việc ngu ngốc đến thế. Tất nhiên, ai nấy đều cho rằng dùng một khoản tiền lớn như thế để mua một con hươu là chuyện khó chấp nhận, ngay cả cha mẹ đẻ cũng chỉ trích cách làm của con gái. Tuy nhiên, cô con dâu phớt lờ hết mọi lời dèm pha, để mặc cho ai muốn nói gì thì nói.
 
Hai năm trôi qua, cô cũng đã hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh vừa tròn 1 tuổi. Công việc nhà bận rộn, cô bèn để con trai ngồi chơi trên ghế. Lúc đó bỗng đâu hươu núi năm nào lại xuất hiện, hơn nữa còn dùng cặp sừng lớn và khỏe của mình nhấc chiếc ghế có đứa bé lên, chạy hai vòng quanh sân rồi hướng ngoài mà chạy mãi.
 
Người nhà của bé trai thấy hươu núi cắp đưa bé đi, lập tức già trẻ lớn bé trong nhà đều chạy đuổi theo, đuổi theo được một lúc thì bỗng đâu nghe một tiếng ầm động cả núi đồi, quay đầu nhìn lại, thì thấy ngọn núi phía sau nhà bỗng nhiên sạt lở, đè nát ngôi nhà của họ. Hết thảy người nhà chứng kiến cảnh tượng này mới biết rằng chính hươu núi vì muốn báo ân tân nương nên đã đến cứu họ. Con vật cắp đứa trẻ đi nhằm mục đích khiến người ta chạy đuổi theo nó mà tránh khỏi kiếp nạn. Hươu núi sau khi đã đạt được mục đích, liền buông đứa bé đang treo trên sừng ra, phóng mình thẳng vào rừng sâu, mất hút.
 
Kể từ vụ núi lở, vùng đất vốn có người sinh sống nay bị đất lở bao trùm, trở nên hoang vắng tiêu điều, không dấu chân người. Thế nhưng câu chuyện giải cứu hươu núi đã thật sự cảm động lòng người, khắp nơi xa gần đều khắc cốt ghi tâm rằng vạn vật đều có linh, động vật cũng có tình. Nếu cô con dâu mới về nhà chồng ngày ấy không chút lòng xót thương con vật gặp nạn, tiếc món tiền cứu con vật thì cả nhà đã không thoát khỏi cảnh vùi thân trong đất đá.
 
Làm người chỉ cần giữ được sự thiện lương, tự khắc sẽ được thần linh và vạn vật bảo hộ.
Len dau trang